Home BlogFun Karma là gì? Phân loại & những biểu hiện của luật Karma

Karma là gì? Phân loại & những biểu hiện của luật Karma

by Admin




Ai trong chúng ta khi sống trên cuộc đời này đều phải trải qua những thành bại thịnh suy, nhục vinh vui khổ. Không ít người cho rằng tất cả những điều đó chẳng qua chỉ là sự an bài của số mệnh, sự sắp đặt của ông trời. Người nào có số hưởng thì mặc nhiên sẽ hạnh phúc, sung sướng cả đời còn nếu có số khổ thì có cố gắng mấy cũng không thoát được cái “khổ” ấy. Nhưng giáo lý nhà Phật lại luôn khuyên chúng sinh rằng hạnh phúc hay khổ đau là do chính chúng ta tự tạo lấy cho mình, cuộc sống của chúng ta là do chính chúng ta định đoạt… Hay nói cách khác, đó đều là kết quả của Karma (Nghiệp).

1.Karma là gì?

Karma là một từ có nguồn gốc tiếng Phạn, được phiên âm là Yết-ma và có nghĩa là hành động. Nhưng đây không phải là hành động vô thức, vô tình, không tự nguyện mà là hành động có ý thức, có chủ đích. 

Trong Phật giáo, Karma có nghĩa là nghiệp chướng, nhân quả. Đây là một khái niệm rất quan trọng và quen thuộc, ý chỉ mối liên hệ giữa Nhân (hiểu đơn giản là tác động của con người vào thế giới xung quanh) và Quả (hệ quả của tác động đó). Theo đạo Phật, mỗi tác động (nghiệp/nhân) dưới điều kiện nhất định sẽ tạo thành một quả. Một khi quả đó chín, nó sẽ rơi trở lại chúng sinh tạo ra nó. Hay nói cách khác, Nghiệp tạo ra quả báo trong tương lai. 

Một nghiệp được gây ra bởi hành động thuộc thân, thuộc tâm hay ngôn ngữ. Như thế có nghĩa là khi chúng sinh có ý định làm bất cứ điều gì thì đã tạo nghiệp, không nhất thiết việc đó có xảy ra hay không. Một nghiệp tốt có thể mang lại kết quả tốt đẹp trong tương lai và ngược lại, nghiệp xấu sẽ chỉ mang lại sự khổ đau và bất hạnh. Cũng có thể hiểu đơn giản là gieo nhân nào thì gặp quả đó hay ác giả ác báo, thiện giả thiện lai.

karma

2. Quy luật nhân quả

Khi người ta nói đến luật nhân quả (Karma) là nói đến những gì bạn làm ở hiện tại sẽ là kết quả cho tương lai. Bạn làm những việc tốt, bạn cố gắng nỗ lực, sống lương thiện, biết quan tâm, yêu thương những người xung quanh thì thành công, may mắn và hạnh phúc sẽ đến với bạn. Ngược lại, nếu bạn là người hay sân si, đố kị, luôn sống mưu mô, ích kỉ, toan tính, hãm hại người khác, thường xuyên buông những lời cay độc hay nịnh hót những người xung quanh hoặc lười biếng, ỷ lại, không có chí tiến thủ thì những gì bạn nhận lại trong tương lai sẽ chỉ có cay đắng, bất hạnh và đau khổ, thậm chí tồi tệ hơn rất nhiều lần so với những gì mà bạn đã đối xử với người khác. 

Karma còn chỉ ra rằng có thể không chỉ bạn phải gánh chịu hậu quả do những việc mình làm mà những người xung quanh bạn, những người mà bạn yêu thương (gia đình, bạn bè), những thế hệ sau của bạn sẽ phải đón nhận những điều đó. Tất cả tạo thành vòng tuần hoàn không dứt trong cõi luân hồi, khi con người ta chết đi, nghiệp báo vẫn còn đó và sẽ tiếp diễn ở kiếp sau chứ không hề biến mất. 

3. Phân loại Karma, nghiệp và quả

3.1. Có 3 loại Karma

  • Agami Karma: nhân quả hiện tại gây ảnh hưởng đến vị lai.
  • Prarabdha Karma: đã tạo nhân rồi và đang trong quá trình tạo quả.
  • Sanchita Karma: những việc làm đã được tích lũy và dẫn đến quả.

3.2. Dựa vào những yếu tố khác nhau sẽ có những loại nghiệp khác nhau nhưng chủ yếu có 4 loại nghiệp dưới đây

– Theo giáo lý

  • Nghiệp thiện: Tư duy, hành động và lời nói về những điều lành, điều tốt.
  • Nghiệp ác: Tư duy, hành động và lời nói về những điều ác.

– Theo tiến trình tạo nghiệp

  • Nghiệp nhân: những tư duy, hành động, lời nói tạo nghiệp chưa đưa đến một kết quả.
  • Nghiệp quả (Nghiệp báo): những tư duy, hành động, lời nói tạo tác sau một quá trình đã dẫn đến một kết quả.

– Theo thời gian

  • Nghiệp cũ: là nghiệp đã được tích lũy từ nhiều đời sống quá khứ và hiện tại đã chín muồi.
  • Nghiệp mới: mọi tạo tác đang làm và sẽ làm của một cá nhân.

– Theo năng lực 

  • Tập quán nghiệp: là nghiệp được tạo tác bởi một thói quen trong đời sống thường ngày. Thói quen đó có thể thuộc về tâm lý, hành vi, cách ứng xử… (hút thuốc lá, trễ giờ…)
  • Cực trọng nghiệp: là các nghiệp gây ấn tượng xấu, ác cực mạnh và sâu trong tâm lý con người (giết cha, giết mẹ, ác khẩu…)
  • Cận tử nghiệp: là nghiệp lúc sắp chết hay những sức mạnh tâm lý của con người trước lúc tắt thở. Ví như một người có thể suốt đời làm ác nhưng trước khi chết, nỗ lực sinh khởi ý thức về thiện pháp, về những điều tốt đẹp trong đời và nhờ ý lực đó có thể tái sinh vào cõi tốt đẹp.

karma là gì

3.3. Có 3 loại quả (báo)

  • Hiện báo: là quả báo mà ta phải chịu trong đời sống hiện tại đối với những hành vi mà ta đã gây ra từ nhiều đời trước hay đời này.
  • Sinh báo: là quả báo ta phải chịu trong đời sau do hành động của chúng ta làm trong đời này.
  • Hậu báo: là quả báo mà qua nhiều đời nhiều kiếp khi đủ duyên mới trả hết.

4. 12 biểu hiện của luật nhân quả Karma

  • Luật Đại: Gieo nhân nào gặp quả nấy là biểu hiện cơ bản của luật nhân quả. Bất cứ điều gì chúng ta tạo ra trong vũ trụ này rồi sẽ quay lại với chúng ta. Nếu muốn nhận được hạnh phúc, niềm vui, tình yêu và sự an toàn thì đừng tạo ra nỗi buồn, oán hận và hiểm nguy.
  • Luật Tạo: Cuộc sống không tự diễn ra, nó cần có sự tham gia của con người. Thế nên hãy sống thật với chính mình và tự tạo nên những điều tốt đẹp nhất mà bạn muốn ở xung quanh bạn.
  • Luật Khiêm: những thứ mà bạn từ chối tiếp nhận sẽ tiếp tục quay lại với bạn. Hãy chấp nhận thực tại để đối đầu với những điều mà cuộc sống mang đến cho bạn trong tương lai. 
  • Luật Tăng trưởng: Khi bạn thay đổi những yếu tố trong chính con người bạn, thế giới ắt sẽ tự động thay đổi theo bạn.
  • Luật Trách nhiệm: Bạn cần phải chịu trách nhiệm về những gì đã, đang và sẽ xảy ra trong cuộc đời bạn. Bạn phản ánh thế giới xung quanh và ngược lại, thế giới đang phản ánh chính bạn.
  • Luật Liên kết: Bước đầu tiên và bước cuối cùng có tầm quan trọng như nhau, quá khứ – hiện tại – tương lai cũng thế. Hãy tạo ra sợi dây liên kết giữa bạn với những người và sự vật, sự việc xung quanh.
  • Luật Tập trung: tập trung vào những trách nhiệm, công việc của bản thân. Luôn nghĩ đến những giá trị tinh thần sẽ giúp bạn tránh được những cảm xúc tiêu cực. 
  • Luật Cho: Khi cho đi là không mong sẽ nhận lại nhưng thực chất, cho đi sẽ nhận lại nhiều hơn.
  • Luật Hiện tại: Chấp nhận những gì đã và đang xảy ra ở hiện tại, từ đó biết vươn lên trong tương lai. Không than vãn, đổ lỗi, trách móc.
  • Luật Thay đổi: Tất cả mọi việc đều có thể thay đổi và phụ thuộc ở chính bạn. 
  • Luật Nhẫn nại: Không có con đường nào đi đến thành công mà không trải qua khó khăn, chông gai. Sự nhẫn nại sẽ giúp bạn vượt qua những điều đó.
  • Luật Động lực: Bạn sẽ luôn nhận được năng lượng từ những điều xung quanh bạn. Đóng góp yêu thương từ một cá nhân sẽ góp phần tạo nên yêu thương của cả một tập thể. 

Hi vọng bài viết đã đem đến cho bạn những thông tin thú vị về Karma, về những triết lí nhân sinh sâu sắc để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

XEM THÊM:

You may also like

Leave a Comment